Văn hóa

Văn hóa "Miếng trầu là đầu câu chuyện" chỉ còn là quá khứ!

Blog

Văn hóa "Miếng trầu là đầu câu chuyện" chỉ còn là quá khứ!

 

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, là sự khơi mở tình cảm khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn – giống như ngày nay, mỗi khi gặp nhau, người ta hay mời nhau chén trà, điếu thuốc vậy. Trong gia đình người Việt truyền thống, ngày lễ, ngày tết lại càng không thể thiếu được cơi trầu với những miếng trầu đã têm vô cùng đẹp mắt để trước là cúng tổ tiên, sau là mời khách.

 

 

Nhưng cuộc sống đã thay đổi, cuộc sống ngày một khấm khá hơn, thì "miếng trầu" được thay bằng "ly bia, chén rượu". "Bia rượu" trở thành "văn hóa" của người Việt.

 

 

Ngày xưa rượu được dùng trong những dịp quan trọng như cưới hỏi, tết, ngày giỗ ông bà,.. Thì ngày nay bia rượu được uống khắp mọi nơi, mọi lúc với mọi lý do. Từ những nhà hàng sang trọng cho đến những quán nhậu bình dân vỉa hè.

 

 

Vui cũng uống, buồn cũng uống, không buồn không vui cũng uống, thất tình cũng uống, mà có tình cũng uống, đám tiệc, ma chay cũng uống,.. Nói chung chỉ cần có lý do là uống. Uống từ sáng sớm cho đến nữa đêm..

 

 

Quán nhậu mọc lên nườm nượp, từ thành thị đến nông thôn. Để tìm một quán chay khó, nhưng một quán nhậu thì không khó tí nào. Không cần phải đi đến quán nhậu, nhà hàng.. mà chỉ cần đi ngang một con phố, một dãy nhà mà nghe "1..2..3.. Dô... 1...2...3.. Dô .. 2...3... Uống" thì dễ dàng biết nay là chỗ đó đang có tiệc nhậu.

 

 

Không rõ từ bao giờ, xuất hiện "Ly bia chén rượu là đầu câu chuyện". Từ những mối quan hệ bình thường bạn bè, anh em, gia đình, cho đến đồng nghiệp, đồng hương đều "gắng kết" trên bàn nhậu. Thậm chí "những hợp đồng kinh tế" đều được xây dựng trên bàn nhậu. Và thậm chí, người ta bàn thảo những việc chia chác phần trăm, bổ nhiệm quy hoạch lãnh đạo… cũng trên bàn rượu.

 

 

Với lối suy nghĩ của người Việt: "Nam vô tửu như kỳ vô phong". Đàn ông mà không rượu bia thì đúng chỉ là đồ bỏ đi, đàn ông mà không rượu bia thì đúng là đồ đàn bà...

 

 

Ngày xưa tôi cũng có quen một cô gái. Lúc đó cô ấy hỏi tôi:

 

 

- Đô anh được bao nhiêu vậy?

 

 

Tôi trả lời:

 

 

- Anh không biết uống em ạ!

 

 

Cô ấy trề môi, rồi phán ngay một cậu:

 

 

- Anh đúng là đồ bê đê.

 

 

Sau khi về, tôi xóa danh bạ, block số điện thoại cô gái đó lại. Từ đó tôi cắt đứt liên hệ với cô ấy. Sau này, tình cờ gặp lại một vài người bạn cũ quen biết cô ấy. Họ bảo cô ấy lấy phải một người chồng nghiện rượu, mỗi lần rượu chè say xỉn, chồng cô lại dở thói vũ phu. Lúc đó tôi chỉ biết thở dài và không bàn luận gì thêm. Bởi âu đó cũng là lựa chọn của cô ấy, nên cô ấy phải chấp nhận.

 

 

Tôi không khẳng định rượu, bia chỉ có hại. Thật ra rượu bia có mặt lợi cũng có mặt hại. Phàm, cái gì thái quá cũng sinh bất cập. Ăn nhiều quá, sinh ra bội thực, rồi từ chỗ bội thực, sinh ra bệnh nọ tật kia. Còn uống nhiều quá thì hóa rồ hóa dại, như người ta thường bảo:  Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm, như cẩu cuồng tại thị. (Rượu đã thấm vào người thì như cọp vào rừng, như chó điên giữa chợ)

 

 

Mặt lợi của rượu bia:

 

 

Khoa học cũng đã khẳng định, Bia rượu nói chung là những thức uống có cồn (alcohol), được tạo ra do sự lên men tinh bột hoặc đường của các loại trái cây, ngũ cốc và quá trình chưng cất để tạo độ cồn cao hơn.

 

 

Bia chứa khoảng 3,5-5,5% alcohol, là một loại thức uống khá giàu dinh dưỡng. Ngoài việc cung cấp một lượng calori khá lớn, trong bia còn chứa khoảng 17 loại acid amin (chất đạm) và một hệ men khá phong phú, nhất là men tiêu tinh bột Amylase. Bia chứa nhiều CO2 nên có tính giải khát triệt để khi uống.

 

 

- Bia rượu kích thích tiêu hóa, ăn uống ngon miệng, tăng điều kiện bổ dưỡng. Trong văn hóa ẩm thực, rượu bia được dùng để làm tăng hương vị cho món ăn.

 

 

- Làm tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim làm tăng lưu thông máu.

 

 

- Rượu bia vừa đủ có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch do làm tăng HDL cholesterol tốt cho thành mạch máu (khác LDL cholesterol làm xơ cứng mạch máu).

 

 

- Rượu bia vừa giúp tinh thần trở nên phấn chấn, tỉnh táo, còn có tác dụng làm dịu bớt căng thẳng, làm tinh thần thanh thản hơn, ngủ ngon.

 

 

Tác hại của rượu bia:

 

 

Khi nói đến tác hại của rượu bia, ai cũng hình dung ra ngay những tác hại trực tiếp của rượu bia.

 

 

- Nguyên nhân gây ra nạn bạo hành gia đình

 

 

- Là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.

 

 

- Góp phần trực tiếp cho những vụ ẩu đã, gây mất an ninh trật tự, thậm chí liên quan đến án mạng.

 

 

- Và rất nhiều những vấn đề khác đang diễn ra...

 

 

Không phải những người uống rượu bia không biết tác hại của rượu bia, mà họ biết rất rõ.Họ lạm dụng rượu bia, rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh không thể từ chối. Họ chỉ là những con người sống sỉ diện ảo. Họ có thể từ chối giúp đỡ một người gặp hoàn cảnh khó khăn với lý do sợ bị lừa, sợ lòng tốt bị lạm dụng. Nhưng khi được ai đó rủ nhâu, họ không thể từ chối, vì họ sợ người kia nghĩ họ xem thường người khác, sợ người rủ nhậu buồn, người rủ nhậu xem thường... Bởi vậy dân Việt mới có câu "Rượu bất khả ép, ép bất khả từ". Bản thân rượu cũng là một loại chất gây nghiện, nên các nước ở châu Âu mới có những lớp cai nghiện rượu.

 

 

Còn ở Việt Nam, tôi chưa thấy có lớp cai nghiện rượu nào dành cho những con nghiện rượu lâu năm. Chỉ cần đi dọc một tuyến phố ở Sài Gòn, chúng ta dễ dàng tìm thấy một vài quán nhậu, với một vài khẩu hiệu "1..2...3..dzô".. Ở nơi đó ta dễ dàng bắt gặp những người làm văn phòng với quần áo chỉnh chu... cho đến những anh chị lao động phổ thông vừa rời chỗ làm, vội vàng đến quán nhậu.. Nơi mà nườm nượp khách từ Thứ hai đến Chủ Nhật, còn đồng hơn cả những cửa hàng Bách Hóa Xanh dịp cuối tuần.

 

 

Nơi mà họ được thoải mái thể hiện cái đẳng cấp "đô bất tử", họ tha hồ khoe mẻ tựu lượng bao nhiêu chai bia, bao nhiêu két bia cho mỗi lần nhậu, nơi mà họ tha hồ nói xấu cấp trên, nói xấu người khác, cũng là nơi bộc lộ những cái xấu trong con người họ một cách tự nhiên nhất.