Việt Nam giàu văn hóa hay đầy ắp vô cảm?
Blog
Việt Nam giàu văn hóa hay đầy ắp vô cảm?
Tôi định viết bài "Ký sự dài ngày: Nghề đứng đường giám sát giao thông", nhưng cảm thấy hơi khó chịu, nói chính xác hơn là bực vì tôi đang sống trong một dãy trọ với 7 phòng - kể cả phòng của tôi, trong đó có 3 phòng với bằng cấp đại học, nhưng nhận thức chả bù được với anh bán rau, bán bánh mì.. Yếu kém đến mức tôi gọi là vô văn hóa. Và rồi, tôi cứ thắc mắc và thấy nực cười khi cho rằng Việt Nam giàu văn hóa, tại sao ở một nước giàu văn hóa mà ở bất cứ việc gì cũng đều thấy rõ sự thiếu văn hóa, thiếu ý thức của người dân?
Tình cờ đọc bài viết “Việt Nam giàu văn hóa nên bỏ Văn, Sử, GDCD” trên quý báo, trong tôi bỗng xuất hiện rất nhiều suy nghĩ lạ. Khoan nói đến chuyện bỏ các môn học Văn, Sử, GDCD vì vấn đề giáo dục từ xưa đến nay vốn rất quan trọng, sự thay đổi trong môn học, phương pháo học có ảnh hưởng đến một thậm chí là nhiều thế hệ.
Chỉ có chuyện Việt Nam giàu văn hóa là cứ ám ảnh mãi trong suy nghĩ của tôi. Tác giả bài viết đã khẳng định việt Nam hiện tại đang là đất nước giàu văn hóa vì nền tẳng phát triển lâu đời của lịch sử với 4000 năm văn hiến đến các số liệu thống kê văn hóa cũng ở mức đáng ngưỡng mộ.
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 – 2010), phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã thu hút trên 90% gia đình tham gia, từ gần 8,7 triệu hộ được công nhận Gia đình văn hóa năm 2000, tới năm 2010 đã tăng lên hơn 16 triệu hộ (cả nước có tổng số hơn 22,6 triệu hộ gia), đạt tỷ lệ 70,8%.
Về phong trào xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, từ gần 18.000 làng (bản, thôn, ấp…) và tổ dân phố (khu phố, khu dân cư) văn hóa được công nhận năm 2000, đã tăng lên gần 58.300 đạt danh hiệu văn hóa năm 2010 (trên tổng số gần 87.000 làng, tổ dân phố trên cả nước), đạt tỷ lệ 67%. Đã có 1,2 triệu Người tốt, việc tốt được suy tôn ở các cấp (trong đó cấp tỉnh trên 249.000 người, cấp huyện trên 239.000 người, cấp xã trên 712.000 người).
Người ta có thể dễ dàng tìm thấy các gia đình, khu phố, làng xã văn hóa ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Và những con số kể trên quả thật là dẫn chứng vô cùng thuyết phục biểu hiện cho trình độ văn hóa cao của người dân cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân tôi dù đã dành cả buổi chiều, mỏi mắt đi tìm, căng tai lắng nghe trên các phương tiện truyền thông, trong cuộc sống xã hội hiện đại lại không thể thấy những biểu hiện của văn hóa Việt.
Đầu tiên, có lẽ cần phải đưa ra những ví dụ to tát trước để mọi người thấy rõ được mức nghiêm trọng của vấn đề đó là việc ngày càng nhiều người Việt không phân biệt nổi cờ Trung Quốc và cờ Việt Nam. Việc trong một số sách phát triển trí tuệ dành cho trẻ em sử dụng cờ Trung Quốc trong thời gian dài mà không có bất kỳ cơ quan chức năng hay các bậc phụ huynh nào phát hiện ra, để đến khi một đứa trẻ lên tiếng thắc mắc rồi tất cả mới cùng nhìn nhận lại vấn đề quả thật khiến cho không ít người thắc mắc đây có phải là biểu hiện của văn hóa?
Không những thế nhiều người còn bức xúc đến mức đặt câu hỏi không hiểu biên tập viên, cán bộ nhà xuất bản, cơ quan kiểm duyệt đã làm gì với bộ sách mà để một bé gái còn nhỏ tuổi phát hiện ra sự việc? Hơn nữa, sau khi sự việc được phanh phui, các đơn vị có trách nhiệm lại đổ lỗi cho nhau hay liên tục đưa ra những lý do để bao biện rằng đó là sự “nhầm lẫn” hay không ảnh hưởng đến chất lượng nội dung của sách.
Ngay sau đó, những chùm nho xuất xứ Việt Nam dán cờ Trung Quốc cũng đã được phát hiện nằm đàng hoàng trên giá của siêu thị lớn nhất nhì nước ta. Giống như đang ăn một bát canh ngon, bỗng giật mình, khựng lại khi thấy một con sâu xanh lè, to oạch có lẽ là cảm giác của những người tiêu dùng khi chứng kiến sự việc. Tuy nhiên, đơn vị có trách nhiệm lại chỉ giải thích đơn giản là do người dán cờ nhầm.
Chưa dừng lại ở sách giáo khoa, nho trong siêu thị, sự nhầm lẫn, không thể phân biệt còn mở rộng trên đủ mọi lĩnh vực như Viettinbank Ninh Bình trong vụ tặng quả địa cầu toàn chữ Trung Quốc, ngang nhiên gọi Hoàng Sa, Trường Sa là Nam Sa và Tây Sa; tấn công người duyệt mua những chiếc đèn lồng Trung Quốc xuyên tạc chủ quyền; nhầm hình ảnh du lịch Trung Quốc vào trong gian hàng của Việt Nam trong triển lãm du lịch quốc tế…
Những sự việc trên có phải chỉ là nhầm lẫn thông thường? Theo bản thân tôi, việc một người Việt mà không phân biệt nổi cờ Trung Quốc và Việt Nam chính là sự “mù văn hóa” và là hành động khó có thể tha thứ. Hoặc nếu có thể nói giảm chuyện “mù văn hóa” thì đích thị là một sự thiếu ý thức, coi thường công việc, khó có thể nói là có văn hóa.
Trong khi đó, ở những vấn đề hàng ngày như quan hệ xã hội nhìn thấy những hành động văn hóa dường như đang là điều trong mơ, con người sống với nhau ngày càng vô trở nên vô cảm. Đã có những vụ việc người dân đứng nhìn nạn nhân gặp tai nạn mà không ai cứu chữa hay tran thủ hôi của khi có tai nạn… Hay câu chuyện một gia đình bị côn đồ kéo đến tấn công, mặc dù đã kêu cứu nhưng những ngườ hàng xóm xuang quanh chỉ tập trung ngó nghiêng chứ không hề có người cứu giúp…
Và đến cả miếng ăn cũng khiến người ta thắc mắc không biết văn hóa đang “trốn” ở đâu. Người ta hay nói khách hàng là thượng đế nhưng điều ấy dường như hoàn toàn không chính xác ở một số quán tại Hà Nội. Không ít quán hàng để xảy ra hiện tượng bàn ghế không ra bàn ghế, người ngồi chen chúc với nhau, giấy lau chùi trắng xóa vứt bừa bãi. Chủ quán đã không chào mời đon đả mà còn lẩm bẩm khi ccó người thắc mắc vì bị chờ đợi lâu: “Nhà anh chị vào không nói to lên thì ai mà biết!”.
Trong khi đó, với tư cách của một “thượng đế” lẽ ra khách hàng vào quán ăn thấy người ngồi, đứng chen chúc, bẩn thỉu thì quay ra, đi tìm quán khác, hay thấy chủ quán ăn nói thiếu lịch sự thì nhắc nhở, tẩy chay những hành vi vô văn hóa ấy. Nhưng dường như không ít người dân miền Bắc còn mặc nhiên coi đó là điều bình thường mà không hề có ý nghĩ phải loại bỏ nó, phải tẩy chay nó ra khỏi xã hội…
Văn hóa hiện diện ở khắp nơi trong xã hội, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống đến những vấn đề to tát hơn như quan hệ xã hội, chủ quyền dân tộc… Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đi tìm những hành động, cách ứng xử văn hóa như “mò kim đáy bể”. Vì vậy, tôi cứ thắc mắc và thấy nực cười khi cho rằng Việt Nam giàu văn hóa, tại sao ở một nước giàu văn hóa mà ở bất cứ việc gì cũng đều thấy rõ sự thiếu văn hóa, thiếu ý thức của người dân? Mà nếu vậy, bỏ môn Văn, Sử, Giáo dục Công dân, liệu xã hội Việt Nam có trở thành một sa mạc cằn cỗi lòng thương, mà trở thành đại dương tràn ngập sự vô cảm?