Thói xấu của người Việt khi nhậu (1,2,3 dzô !)
Blog
Thói xấu của người Việt khi nhậu (1,2,3 dzô !)
Người Việt “nhậu” 5 tỷ USD/năm: Thêm nghèo đói và bệnh tật
Mới đây, tạp chí uy tín hàng đầu Forbes công bố báo cáo thống kê về xu hướng tiêu thụ chất uống có cồn trên toàn thế giới. Năm 2018, Việt Nam tiêu thụ 4,7 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, quy đổi thành tiền là khoảng gần 5 tỷ USD.
Việt Nam – Quốc gia “say xỉn”
Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 4,7 tỷ lít bia rượu, là quốc gia tiêu thụ bia số 1 Đông Nam Á, thứ 3 châu Á.
Tính bình quân mỗi lít bia rượu là 1 USD, thì chi phí cho bia rượu tại Việt Nam là xấp xỉ 5 tỷ USD.
Đàn ông Việt Nam cũng vô địch thế giới về uống rượu bia, đạt con số kỷ lục 77,3%. Trong khi tỷ lệ nam giới uống rượu toàn thế giới chỉ có 48%, châu Phi chỉ có 40%, châu Mỹ là 70%, châu Á là 73%.
Người Việt mê "nhậu"
Tốc độ gia tăng về uống rượu bia của Việt Nam cũng vô địch thế giới: Nếu như năm 2003 Việt Nam chỉ tiêu thụ 1,29 tỷ lít bia thì đến 2018 đã tăng lên hơn 4,7 tỷ lít bia, từ vị trí thứ 8 năm 2007 đến 2018 Việt Nam đã vươn lên thứ 3 châu Á.
Càng nhậu, càng nghèo đói và bệnh tật
Tỷ lệ tiêu thụ bia rượu tỷ lệ nghịch với sự phát triển của xã hội, và tỷ lệ thuận với tệ nạn, tai nạn bệnh tật.
Bia rượu quá nhiều là nguyên nhân của đói nghèo
Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 2.587 USD/năm (tương đương khoảng hơn 57 triệu đồng). Mức thu nhập này bằng Malaysia cách đây... 20 năm. Dù vậy, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia rượu số 1 Đông Nam Á. Đàn ông Việt cũng uống bia rượu nhiều số 1 Đông Nam Á.
Trung bình mỗi năm người Việt thiệt hại 450 USD/người vì rượu bia. Mức thiệt hại này tương đương ở quốc gia có thu nhập bình quân đầu người gấp 10 lần nước ta.
Bia rượu cũng làm giảm năng suất lao động, gây thiệt hại ước tính là hơn 75 tỷ đồng/năm- Theo Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội.
Bia rượu làm hủy hoại cả thể chất lẫn trí tuệ
Sử dụng bia rượu còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế – xã hội khác, như: Bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội; Gây gánh nặng về các phí tổn chăm sóc sức khỏe và giải quyết các hậu quả xã hội khác.
Bia rượu cũng là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm, là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.
Không chỉ là sức khỏe sinh lý, việc sử dụng bia rượu đến mức báo động như hiện nay còn tạo ra một lớp thanh niên trì trệ và suy nhược về cả thể chất lẫn trí tuệ. Bộ phận này sống bất cần ngày mai, không quan tâm đến cái gì ngoài cái dạ dày, thông qua những buổi nhậu nhẹt và chơi bời trác táng, gây ra những hệ lụy tệ nạn xã hội.
Những giải pháp trước mắt cần được xem xét
Tăng thuế bia rượu, thuốc lá lên từ 100-200% là giải pháp được nhiều luật sư và chuyên gia kinh tế đồng thuận.
Đây là một mũi tên bắn trúng nhiều đích, vừa hạn chế được tình trạng ăn nhậu thâu đêm suốt sáng vô tội vạ của một bộ phận dân cư, hạn chế các vấn nạn liên quan đến bia rượu như tai nạn giao thông, đánh nhau, bệnh tật... Đồng thời, vừa thu được khoản tiền thuế lớn từ tầng lớp có tiền, vì họ khó mà bỏ được nhậu như một "văn hóa" giao tiếp, làm ăn.
Tăng mức phạt và xem xét xử lý hình sự để tăng tính răn đe đối với người sử dụng bia rượu gây tai nạn giao thông.
Bia rượu là nguyên nhân của nhiều tai nạn giao thông
Theo các Đại biểu Quốc hội, mức phạt tiền từ 70-80 triệu đồng đối với 1 người chết do tài xế say xỉn gây ra như trước đây là quá nhẹ và không hợp lý, không có tính răn đe. Do đó, cần phải tăng mức phạt lên đến hàng tỷ đồng. Đồng thời, có thể đưa vào quy định tước bằng lái vĩnh viễn và truy cứu tội giết người.
Bia rượu đang trở thành vấn nạn của xã hội Việt Nam. Nếu không sớm có giải pháp giải quyết tình trạng này, thì Việt Nam sẽ càng tụt hậu lại phía sau so với thế giới.
Những tài xế gây tang thương vì rượu bia và cuộc sống người ở lại
Rượu thì rẻ, uống thì dễ còn hậu họa mà những kẻ say rượu gây ra thì đắt đỏ vô cùng, chẳng có cái giá nào đủ để “trả” cho sự chia ly tương tàn. Có lẽ chưa bao giờ mà tai nạn giao thông vì cồn lại nhạy cảm như giai đoạn này, thứ đồ uống từ trước đến nay vốn mặc định là dùng cho sự thăng hoa cảm xúc của các cuộc vui giờ bỗng dưng trở thành thủ phạm gây ra những tiếng kêu khóc đầy tang thương, ai oán.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong quý I/2019, toàn quốc đã xảy ra hơn 4.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó, nguyên nhân tai nạn do tài xế lái xe gây tai nạn sau sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ). Cũng trong 3 tháng đầu năm, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 814 tài xế ô tô.
Rượu, đương nhiên không đâu rẻ và dễ uống như ở Việt Nam hiện tại. Nhưng cũng chẳng ở đâu, cái chết do rượu, bia gây ra lại khinh khủng như ở Việt Nam. Chị Yến, chị Quỳnh tử nạn vào Quốc tế Lao động 1/5 bởi một kẻ say rượu, chỉ chục ngày sau khi cô lao công Lê Thị Thu Hà bị đâm chết trên đường Láng, cũng bởi một tài xế mà khi bị người dân bắt giữ còn đang rất "phê pha".
Giờ đây, cứ bước ra đường là người ta lại mang một nỗi sợ, sợ không toàn vẹn quay trở về nhà. Nơi có những con người mất cha, chồng mất vợ, vợ mất chồng hay cha mẹ mất đi con cái? Và cái đám bằng hữu có ai cho họ hay người khác được thêm 1 mạng sống không? Có ai sẽ đứng cùng họ trong những chặng đường khó khăn nếu có biến cố hay không?
Em Trần Đức Anh (15 tuổi, con trai cả của nữ lao công Lê Thị Thu Hà) vẫn chưa hết đau đớn, xót xa vì sự ra đi đột ngột của người mẹ. Khi kể về người mẹ xấu số của mình, em nghẹn ngào trong nước mắt "mẹ em vất vả quanh năm suốt tháng vì con, đầu tắt mặt tối để em được đến trường như bạn bè vậy mà đến lúc ra đi cũng khổ, em còn chưa báo đáp công ơn dưỡng dục của mẹ ngày nào mà mẹ đã...".
Tận cùng của đau khổ vẫn mãi là khổ đau, nhất là đối với người ở lại. NSƯT Xuân Bắc nghẹn lời kể về 2 đứa con của chị Yến trong vụ tai nạn ở hầm Kim Liên:
"Đúng là hoạ vô đơn chí, chiều hôm trước là buổi đi học đầu tiên của cháu Liên - con gái lớn của bạn Hải Yến, nhà có chiếc xe máy bị hỏng, cháu bèn mượn xe của cậu. Và trong buổi học đó, sau khi làm đám tang cho mẹ, kẻ trộm lấy mất chiếc xe máy.
Còn Quân, đứa bé đáng thương đã 13 tuổi, nhưng ý thức, hành vi chỉ mới như một em bé lên 3 mà thôi".
Và sẽ còn rất nhiều những câu chuyện đau lòng khác đằng sau tay lái của mỗi tài xế nếu như họ vẫn cố chấp lái xe về nhà trong tình trạng có men rượu bia trong người.
Thi thể nữ lao công tại hiện trường vụ tai nạn đêm 22/4
Đức Anh và Đức Hiếu - học sinh lớp 9 và 6 của trường THCS Khương Thượng, Hà Nội.
Đừng nói bia rượu hay ma tuý là nguyên nhân của mọi tai nạn. Uống bia rượu không có lỗi, lỗi chính là ở ý thức con người. Nếu bạn xác định mình uống bia rượu thì làm ơn bắt một cái taxi về nhà. Nhiều người lái xe tinh vi lắm, "lái lụa" lắm, nhưng đến lúc gây hậu quả thì cũng chỉ biết khóc, hoảng sợ, bỏ trốn khỏi hiện trường vì việc đã rồi. Kể cả khi nhiều tiền hay không có tiền, thì chỉ giỏi tiếc mấy chục nghìn, nhiều nhất là trăm nghìn tiền bắt xe về nhà, mà không biết rằng lúc xảy ra việc thì họ tốn cả tỷ đồng để đền bù và bản án lương tâm chẳng bao giờ quên được.
"Đã uống không lái - Đã lái không uống". Làm ơn thôi nhầm giữa chân ga và chân phanh. Làm ơn đừng sử dụng ma tuý, chất kích thích khi lái xe. Làm ơn đừng coi uống nhiều rượu bia là bản lĩnh, là niềm vui, là hết lòng với đối tác, bạn bè. Bởi một khi đã xảy ra tai nạn, không có mức giá nào đủ để bù đắp cho đau thương của những người ở lại, kèm theo đó là bản án lương tâm mà những kẻ gây ra chẳng bao giờ quên được.
Hãy sống văn minh lên!
Nguồn Tổng Hợp