Ở đời, không mất thì không được
Blog
Ở đời, không mất thì không được
Con người ta, hầu như ai cũng có tâm lý muốn làm ít hưởng nhiều, mong được sống thoải mái mà không muốn chịu khổ cực. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có cái lý cân bằng, làm việc nhiều hay ít đều có cái giá của nó.
Một ngày, lão hòa thượng đang ngồi trong chùa thì có một người đàn ông với vẻ mặt buồn rầu bước tới. Anh ta cất lời chào lão hòa thượng rồi ngồi lặng im đăm chiêu suy nghĩ mà không nói lời nào…
Lão hòa thượng nhìn thấy người khách trẻ tuổi có tâm tư như vậy liền mở lời hỏi trước: “Thí chủ có tâm tư gì sao?”
Lúc này người khách mới kể rằng: “Thưa thầy! Từ trước đến nay đối với bạn bè hay đồng nghiệp, con đều luôn nhận phần thiệt thòi về mình. Đôi khi có những cái lợi nhìn thấy ngay trước mắt nhưng vì sợ người khác bị tổn hại nên con cũng không chiếm làm của mình. Nhưng bạn bè của con đều cho rằng, người chiếm được phần lợi cho mình mới là người thông minh, tháo vát. Còn con là một kẻ ngu đần. Con rất buồn và không biết phải làm sao?”
Lão hòa thượng chưa kịp mở lời khuyên nhủ thì người khách lại nhanh nhảu hỏi trước: “Thưa thầy! Thầy cho con hỏi, trên đời này thực sự có thể chiếm của người khác để làm lợi cho mình được sao?”
Lão hòa thượng chậm rãi nói: “Vậy, ta sẽ kể cho thí chủ nghe một câu chuyện. Thí chủ nghe xong sẽ tìm được câu trả lời”.
Ngày xưa, ở một địa phương nọ có một người chủ bán hàng, để chở hàng hàng ngày, anh ta đã mua về hai con ngựa, một nâu, một trắng rất khỏe mạnh.
Một hôm, vào buổi trưa nắng chang chang, trên đường về nhà, hai con ngựa đang ra sức kéo hai chiếc xe chở đầy hàng. Con ngựa nâu đi ở phía trước rất cố gắng nên đi nhanh hơn. Con ngựa trắng ở phía sau thì ngược lại, nó bước đi một bước rồi lại dừng lại và nghỉ ngơi.
Người chủ thấy vậy đành phải dừng hai con ngựa lại và chuyển từng kiện hàng ở xe ngựa sau lên chiếc xe ngựa đằng trước.
Khi toàn bộ hàng hóa ở chiếc xe ngựa đằng sau được chuyển lên chiếc xe ngựa đằng trước rồi, chú ngựa trắng đi sau nhẹ nhàng chạy lên nói với chú ngựa nâu đang đi ở đằng trước: “Anh có số phải chịu khổ rồi! Nhưng anh thật là ngốc, nếu như anh càng dốc hết sức mình thì lại càng phải chịu khổ đấy!”.
Khi chúng chở hàng về đến cửa tiệm, người chủ nghĩ: “Mình sao phải nuôi những hai con ngựa làm gì trong khi chỉ cần dùng đến một con để chờ hàng? Chi bằng để toàn bộ thức ăn cho một con để nó được ăn no đủ mà làm việc chăm chỉ và làm thịt một con đi. Ít nhất thì mình cũng đỡ được tiền thức ăn và còn được một bộ da ngựa”.
Thế là ngay ngày hôm sau, người chủ kia đã thực hiện ý nghĩ của mình…
Kể đến đây, lão hòa thượng đưa mắt nhìn người khách trẻ rồi nói tiếp: “Trên đời này có một quy luật khách quan không bao giờ thay đổi, đó là: ‘Không mất thì không được!’. Nếu như một người mà muốn chiếm lợi về mình thì anh ta đương nhiên sẽ phải mất, phải trả giá. Vậy thì chẳng phải đó mới chính là kẻ ngốc, kẻ đần sao?”.
Người khách trẻ nghe xong những lời này lập tức hiểu ra. Anh ta tạ ơn rồi cúi người chào lão hòa thượng và ra về với vẻ mặt hân hoan. Lão hòa thượng nhìn theo vị khách trẻ gật gật đầu và nở một nụ cười…
Không cho đi thì không nhận lại được, “bất thất bất đắc”, nó giống như một quy luật bất biến trong vũ trụ này vậy. Do đó, bất kể làm gì, hãy đặt tâm mình vào đó, thực hiện nó cho thật tốt thì sẽ nhận được thành quả xứng đáng.