Mùi Kiệu
Blog
Mùi Kiệu
Hôm nay đi ngang qua chợ Bà Chiểu, ngó thấy mấy chị tiểu thương bày củ kiệu ra bán. Mới thảng thốt chép miệng, mèn ơi, sắp tết rồi.Dượng Tony Kỹ năngDân miền Nam hay gọi tết nhứt, không biết chữ nhứt ở phía sau có phải là quan trọng nhứt hay không, nhưng lòng ai cũng chộn rộn khi nghĩ về nó. Giống như người tây phương với lễgiáng sinh và năm mới dương lịch vậy.
Nhớ ngày xưa còn ở với ba má, cứ cuối năm gần Tết là phụ má hong củ kiệu. Trời gần Tết hơi lạnh, nắng cũng yếu ớt nên má hay biểu mày nhổ giò cao nhòng vậy thì để mấy củ kiệu lên mái nhà coi, để dưới đất coi chừng chó hay gà đi ngang qua hất đổ hết.
Và trong tâm khảm tuổi thơ, mùi kiệu cay nồng chính là mùa giáp Tết. Ông già (cách gọi thân thương cha mẹ của ở quê Tony là ông già, bà già) người Cần Thơ nên hay kêu bà già làm mấy món miền Tây cho ổng nhâm nhi dịp Tết. Bà già cũng có mười mấy năm sống ở miền trong nên hiểu ý liền, nhứt là món ruột già heo khìa. Thấy có ngon lành gì đâu, nhiều lúc còn mùi thúi thúi nhưng ông già nhứt định khen ngon, ăn khí thế. Và củ kiệu cũng vậy, đắng nghét chứ có ngon lành gì, nhưng mà thiếu nó, không khí Tết không còn nguyên vẹn nữa.
Hồi cả nhà đùm nhau từ Sài Gòn về quê ngoại sống, rời xa đô hội, má nói mấy đứa bây giờ cũng phải ráng mà hòa nhập với dân ở đây. Vẫn một ngày đi học, một ngày lặn lội trên đồng. Nhưng má bắt cố gắng giữ giọng nói và cách ăn uống của dân miền trong, má nói rồi tụi bây cũng sẽ về lại Sài Gòn để phát triển, chứ ở miền Trung này, kiếm đồng tiền khó lắm. Về quê là một giai đoạn tạm thời, ẩn nhẫn để vụt bay. Nhưng trong khó khăn, phải giữ khí phách của kẻ sĩ…
Nhưng lúc mình thi đại học, tự nhiên má đổi quyết định đột ngột, bắt thi vào cao đẳng sư phạm Nha Trang ở gần nhà, xong về dạy học thế chỗ má trong trường, vì tao sắp hưu rồi. Lý do quan trọng hơn là vô trỏng, tiền đâu học. Có lẽ linh cảm rằng cho nó vào lại Sài Gòn ít còn cơ hội gặp nhau. Sự khó khăn về kinh tế và ích kỷ về tình cảm của người mẹ, đi ngược lại với những điều giáo huấn từ bé, rằng làm đàn ông con trai trên đời, phải kinh bang tế thế, lấy tài năng giúp đời, đừng suy nghĩ vụn vặt, ganh đua với con Năm thằng Mít trong làng, có giỏi thì ra ganh đua với tụi dân thành phố- ba má hay căn dặn mấy chị em như vậy.
Nhưng dưới áp lực khủng khiếp của mình, má cũng gạt nước mắt, đồng ý cho vô lại Sài Gòn để thi đại học. Còn 2 ngày nữa là thi rồi, mà không biết vô đó thì ở đâu. Má ngồi suy nghĩ một hồi, nói thôi mày đạp xe chở tao qua nhà cô C đi, cô có em gái tên D ở Sài Gòn. Rồi mình đạp xe chở má qua nhà cô C, bạn dạy chung trường. Mình đứng ở ngoài hàng rào, má vô nói gì đó một hồi, rồi ra, nói cô C không chịu, nói cô D khó tánh lắm, từ chối cho số điện thoại. Nên đạp xe chở má đi về, đầu óc miên man trên con đường làng quanh co thơm mùi rạ.
Vừa về, cả nhà ngồi suy nghĩ quan hệ với ai ở Sài Gòn, cái ba nói thôi vô hạ mình xin thằng H, là chú em cùng cha khác mẹ với ba, giờ làm tổng giám đốc 1 công ty lớn ở quận 4, xin nó ở vài bữa. Má nói chắc phải vậy thôi, rồi lấy hộp kem phấn ra trang điểm, nói thôi để má đưa đi. Rồi thấy vào ngồi đếm tiền với chị Hai, rồi chị Hai nói có vài trăm ngàn như vầy, không đủ ở khách sạn cho 2 mẹ con đâu nếu chú H từ chối. Mình ngồi nghe mà chết điếng trong lòng. Tự thấy sao con đường học hành của mình gian truân quá, bạn bè cùng lớp đã vào hết trong đó để chuẩn bị thi. Còn mình thì giờ này vẫn chưa biết có đi được hay không nữa, chắc trời đất chỉ cho mình học tới đây thôi. Lòng buồn quá, mình đạp đi ra thị trấn chơi, lang thang, vô định.
Thế rồi như là 1 định mệnh của sự may mắn, bạn Th. học cùng lớp tình cờ gặp mình, bạn cũng nói tao đang chuẩn bị đi Sài Gòn, hay là mày đi cùng tao cho vui, dù học 3 năm với nhau, 2 đứa chỉ giao tiếp bình thường chứ không thân lắm. Bạn Th nói anh ruột bạn ấy có người quen ở trỏng, có thể cho mình ở nhờ. Má đạp xe xuống nhà Th hỏi có thiệt không, rồi đồng ý cho đi. Tối đó lên xe vô SG, lúc xuống ngã ba bắt xe, tự nhiên má móc trong túi ra 5 phân vàng, nói con đeo vô ngón út, đó tất cả gia tài của má lúc này. “Cái này má đưa con cầm, có chuyện gì thì cứ bán rồi ra bến xe miền Đông bắt xe về liền nghen con. Làng mình năm nay chỉ có con học hết 12 thôi, thôi thì ráng thi cho tốt“, má cầm tay dặn dò miết. Xe chạy xa dần, mình vẫn thấy đôi tay khẳng khiu, đen nhẻm của má và mấy chị vẫy vẫy. Chiều dần tối, cây cối hai bên đường heo hắt, quắt queo trong cái nóng mùa hè.
Cả đêm trên xe không ngủ, lần đầu tiên vào xa mà, ra đi khỏi Sài Gòn hồi có mấy tuổi nên có nhớ gì đâu. Trong đầu mình tính toán lên nhiều phương án để tồn tại trong mấy ngày, nếu và thì. Tài sản là mấy cuốn tập cong queo nhét trong lưng. Theo Th đến nhà chị G, thấy nhà chị học sinh đến ở trọ đi thi đông quá, nên tự nhiên thấy ngại. Mới ở nông thôn lên, cái gì cũng ngai, mới nói chị G thôi cho em đi tìm ông chú, có thể tối không về. Cái mượn xe đạp để đi tìm chú H, cái ba lô bé xíu quảy sau lưng. Ghé nhà chú H theo địa chỉ trên 1 lá thư từ lâu lắm, bí mật ghi vô cuốn tập, ba má cũng không biết. Rồi mình gặp cô Út, em chú H, ngồi kể lể lý lịch một hồi , chỉ mong là họ nghĩ máu mủ ruột thịt mà cho ở vài hôm đi thi. Nhưng ông lánh mặt và kêu cô Út vào phòng, nói gì đó, rồi cô Út ra nói nhà cũng chật quá, thôi con đi tìm chỗ khác trọ đi. Lúc mình đạp xe rời khỏi con hẻm nhà chú đường Hoàng Diệu, thấy cô Út ra đứng đầu hẻm vẫy tay, nước mắt cô lăn dài, chắc cô cũng có chút tình máu mủ, chắc cũng thấy tội nghiệp 1 thằng 18 tuổi cao nhòng đen nhẻm đang tìm đường mưu sinh ở thành phố.
Mình ra công viên Lê Văn Tám ngồi học bài rồi mệt quá, ngủ thiếp. Khoanh nem chua mang theo, định bụng là nếu chú H cho ở nhờ thì đem tặng, nhưng ổng đuổi đi nên thôi, nửa đêm đói qua tỉnh giấc lấy lột ngồi ăn một mình. Ánh đèn vàng heo hắt và cơn mưa tầm tả của Sài gòn tháng 7, lạnh cóng…
Hôm sau lên lấy số báo danh rồi thi môn Toán vào buổi chiều. Hết giờ thi, mình theo đứa bạn mới quen trong phòng thi về nhà nó tắm rửa, rồi qua nhà chị G, nói chuyện thi cử với Th, chị G mời ăn cơm nhưng ngại không dám ăn nhiều, chỉ ăn 1 chén. Xong cái lấy xe đạp đi, định qua công viên ngủ tiếp nhưng chị đoán được hay sao ấy, nên mới nói thôi đi đâu, ở lại đây rồi mai đi thi cho tốt. Lòng tốt của Th và gia đình chị G, mình thật sự mang ơn suốt đời, không biết nói sao nên lời nữa. Bữa thi cuối, mưa kinh khủng là mưa, ra khỏi điểm thi trường Lê Quý Đôn, nhìn các bạn khác có cha có mẹ đi theo tíu tít hỏi han đề thi khó hay dễ vậy con, thấy nước chảy dài trên má, không biết nước mắt hay nước mưa nữa. Rồi tất tả quảy ba lô chạy ra bến xe miền Đông để kịp chuyến xe về quê.
Rồi con cũng có tất cả, má à, hơn cả những gì mà ba má kỳ vọng. Cạnh tranh với dân thành phố – hồi đó là tất cả những gì mà ba má có thể nghĩ ra-nay đã không còn phù hợp nữa. Cái mà tụi con đang cạnh tranh là những Peter, Mary, Zhu Bin…trong một thế giới phẳng như thế này. Những con đường cao tốc, những tòa nhà xa hoa, những buổi tiệc ở khách sạn năm sao với đủ loại sơn hào hải vị nhưng làm sao có thể sánh được với con đường làng quanh co, lũy tre xanh đầy gió và mùi kiệu thơm nồng của quê ngoại. Nơi một thời con đã lớn lên. Con nhớ...