Chúng ta nên báo tin vui hay tin xấu trước

Chúng ta nên báo tin vui hay tin xấu trước

Blog

Chúng ta nên báo tin vui hay tin xấu trước

Chúng ta nên báo tin vui hay tin xấu trướcChẳng ai muốn nghe tin xấu và cũng chẳng ai muốn báo tin xấu, nhưng làm sao tránh hết chuyện được mất trong đời. Báo tin xấu là việc khó khăn và nếu có lòng nghĩ đến người nghe, chúng ta cần cân nhắc.Bác sĩ thông báo tin buồn cho bệnh nhân, giáo viên thông báo điểm kém cho học sinh, chồng có lúc phải báo với vợ mình cần đi công tác xa trong thời gian dài. Nếu là người đưa tin, bạn sẽ thông báo tin xấu như thế nào? Nhiều sách và báo chí gợi ý chiến thuật đưa tin xen kẽ. Bạn sẽ tìm một tin tốt để thông báo trước, rồi đến tâm điểm là tin xấu và chốt hạ bằng một tin tốt khác để giúp người nghe lên tinh thần.
 
Tuy nhiên, một nghiên cứu đăng trên tờ Personality and Social Psychology Bulletin lại cho thấy chiến thuật này có thể phản tác dụng.
 
AI CŨNG MUỐN NGHE TIN XẤU TRƯỚC
78% người tham gia khảo sát muốn nghe tin xấu ngay lập tức. Họ tin rằng một khi điều tồi tệ nhất đã được nói ra rồi, những tin tiếp theo chỉ có thể đem lại cảm giác tốt hơn.
 
Người báo tin lại chia làm hai trường hợp. Những ai quan tâm đến cảm giác của người nghe sẽ muốn thông báo tin xấu ngay và luôn. Những ai quan tâm đến cảm giác của chính mình sẽ đưa tin tốt trước, vì họ thấy dễ dàng hơn khi bắt đầu bằng một tin tốt. Người đưa tin cố gắng trì hoãn cảm giác tội lỗi khi phải cung cấp tin xấu bằng cách mào đầu bằng một tin vui, nhưng điều đó chỉ khiến người nhận tin càng thêm nóng ruột. Họ không tận hưởng được tin tốt lành vì biết điều tồi tệ vẫn đang lơ lửng trên đầu.
 
Dù người nhận có thể được an ủi đôi chút bằng một tin tốt chốt hạ, nhưng họ sẽ rất ghét cảm giác hồi hộp, lo lắng khi phải chờ đợi quả bom thực sự trong khoảng thời gian nghe tin tốt đầu tiên. Căng thẳng này có thể dẫn đến mâu thuẫn và làm rạn nứt mối quan hệ giữa người đưa tin và nhận tin.
 
Cũng có trường hợp người nghe rất thích thú với tin vui đầu tiên bạn chia sẻ, dẫn đến họ rơi vào trạng thái không phòng bị và hậu quả là dễ tổn thương hơn khi nghe tin xấu tiếp theo.
 
Tóm lại, người nghe tin xấu trước sẽ có tâm trạng tốt hơn và về tổng thể, họ sẽ giảm lo lắng hơn so với những ai đón nhận tin tốt trước rồi mới đến tin xấu.
 
KHI NÀO NÊN THÔNG BÁO TIN XẤU SAU CÙNG?
Trường hợp bạn muốn người nghe phải có hành động để thay đổi tin xấu, bạn hãy để dành thông báo tin xấu sau cùng. Điều cuối cùng chúng ta nghe sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta nhiều nhất. Nếu bạn muốn người nghe thay đổi để tốt hơn, hãy thông báo tin xấu sau cùng để họ tập trung vào nó mà có động lực khắc phục cái chưa tốt.
Chẳng hạn, nếu bạn là một bác sĩ và bệnh nhân được chẩn đoán phải tháo khớp chân, không còn cách nào cứu vãn, bạn phải thông báo tin xấu này ngay. Sau đó, bạn sẽ lựa lời tích cực để động viên họ chấp nhận và vượt qua mất mát. Trường hợp chân của bệnh nhân đã bị thương tổn rất nặng nhưng vẫn có thể cứu vãn bằng các ca phẫu thuật kiên trì, bạn hãy thông báo các tin khả quan trước và nói về tình trạng chân sau cùng.
 
Bạn có biết?
Số đông hay đọc tin xấu xảy ra với người khác: Chẳng phải vì chúng ta có tâm không thiện mà vì ta sẽ cảm thấy tốt hơn, thấy may mắn và hạnh phúc hơn khi những chuyện kinh khủng đó xảy ra với người khác mà không phải với mình. Người ta thích đọc tin giật gân vì đó là bản chất tò mò của con người. Bên cạnh đó, họ muốn nắm biết các tình huống để học cách phòng tránh cho bản thân.
 
Nguời lãnh đạo không ngại nghe tin xấu: Nhân viên thường cảm thấy rất khó khăn khi phải báo cáo tin xấu cho sếp. Thực tế, người lãnh đạo không ngại nghe tin xấu vì họ biết sẽ rất nguy hiểm nếu tin xấu bị giấu nhẹm. Họ hiểu rằng việc che giấu tin xấu sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm, trễ nải. Những nhà lãnh đạo chính trực và thành công thường tạo môi trường nơi tin xấu được hoan nghênh, nhân viên được khích lệ nói ra tin xấu ngay khi nó xuất hiện.