Cho gì nhận nấy - You get what you give
Blog
Cho gì nhận nấy - You get what you give
Người đàn ông quên ví
Ngay cả khi niềm tin bị cuộc sống không ngừng thách thức, chúng ta có sẵn lòng và dũng cảm tạm ứng lòng tin và sự tử tế cho nhau vì một cuộc sống nhiều niềm vui hơn không?Tuần trước một người đàn ông vào mua hàng và rồi phát hiện ra đã bỏ quên mất ví, nên không thể có cả thẻ hay tiền mặt để trả. Thật là một tình huống bối rối mà chắc bạn, tôi, chúng ta đều đã từng gặp phải trong đời!
Chúng tôi đã không đập bàn đập ghế, đã không quát tháo gây áp lực, không bắt ép người đàn ông đứng tuổi ấy để lại một thứ gì để làm tin ông sẽ quay lại và thanh toán hoá đơn ấy.
Chúng tôi đã không thể và không muốn làm gì khác ngoài mỉm cười, và nói “It is not really a problem Sir, you can come back to PAY us later”
(Không có gì to tát đâu ngài, ngài có thể quay lại và trả cho chúng tôi sau cũng được)
Chúng tôi đã tạm ứng lòng tin của mình cho người đàn ông ấy, và cố gắng không làm cho ông cảm thấy bối rối hơn nữa. £7.5 không đáng để làm cho một người đàn ông thấy khó xử. Tại thời điểm đó, ông không có tiền trả, nhưng qua cách ứng xử thẳng thắn và trung thực, chúng tôi có niềm tin rằng đây vẫn là một Thượng Đế đáng tin cậy.
Và sáng nay, một phong bì nhỏ nằm trước cửa với một tấm bưu thiếp như trong hình, £10, một hoá đơn (bill) mua hàng, và một lời nhắn thật dễ thương đủ làm cho chúng tôi mừng vui cả ngày; đóng dấu bưu điện gửi từ Hull một thành phố rất xa London.
“Very many thanks for your patience and……
From the man without a wallet”
(Vô cùng cảm ơn các bạn vì lòng kiên nhẫn… - Từ người đàn ông quên ví)
Chúng tôi không mừng vui vì thu lại được £10, chúng tôi vui vì lòng tin của chúng tôi đã được tạm ứng đúng người và được đáp lại theo cách của một người lịch sự, tử tế và trung thực nên làm. Chúng tôi được nhận lại nhiều hơn những gì chúng tôi cho đi.
Ngay cả khi niềm tin bị cuộc sống không ngừng thách thức, chúng ta có sẵn lòng và dũng cảm tạm ứng lòng tin và sự tử tế cho nhau vì một cuộc sống nhiều niềm vui hơn không?
Niềm tin ta dành cho nhau cũng như mua một tờ vé số, có thể trúng, và rất nhiều khả năng không thể trúng, nhưng quan trọng hơn cả, nó giúp cho ta hi vọng. Và chúng ta cần điều đó để sống…..Vậy thôi.
Bánh mì và lão ăn mày
Có một người phụ nữ mở cửa hàng bán bánh mỳ. Bà cũng ý thức được rằng làm từ thiện sẽ tích phúc đức cho bản thân và con cháu. Vì vậy bà chủ tiệm bánh thường phát bánh miễn phí cho người cơ nhỡ, những người ăn mày vào xế chiều, khi số bánh còn lại sẽ không thể để đến ngày mai.
Có một người ăn mày hôm nào cũng tới lấy bánh miễn phí của bà chủ tiệm bánh. Nhưng khác với những người nghèo khổ còn lại, mỗi khi họ nhận bánh đều cảm tạ rối rít tấm lòng nhân đức của bà chủ, người ăn mày này chỉ nói một câu “cho gì sẽ nhận lại nấy” rồi đi thẳng.
Sự việc cứ tái diễn như thế. Người ăn mày luôn xuất hiện vào xế chiều nhận bánh miễn phí, nói đúng câu đó và không hề cảm ơn bà chủ tiệm bánh. Bà chủ tiệm bánh ban đầu thấy đôi chút bất ngờ, càng về sau càng cảm thấy khó chịu. Dần dần bà tỏ rõ thái độ đó với người ăn mày mỗi khi phát bánh, nhưng có vẻ như người này không hề để tâm tới biểu hiện trên khuôn mặt của bà chủ đang làm từ thiện.
Đến một ngày nọ, bà chủ tiệm bánh cảm thấy khó chịu lắm rồi, không muốn làm từ thiện để phát bánh cho người ăn mày này nữa. Nhưng làm vậy cũng khó bởi vì ông luôn tới và đứng xếp hàng đầu tiên để lấy bánh. Chả nhẽ trước mặt thiên hạ, lại từ chối làm từ thiện cho mỗi người đó hay sao. Rồi bà chủ bỗng dưng nảy ra một ý định khác: “Nếu cứ phải phát bánh miễn phí cho lão ăn mày vô ơn kia, chi bằng ta bỏ thuốc vào cho lão ốm nặng, sẽ không thể đi tới đây nhận bánh được nữa”.
Tâm đắc với suy nghĩ đó, bà chủ đã mua một số độc dược có thể khiến người ta bị liệt và tẩm ướp vào duy nhất một chiếc bánh, để hôm sau phát cho ông lão ăn mày. Quả nhiên, ngày hôm sau ông lão ăn mày đến sớm nhất và chờ lấy bánh, bà chủ lập tức đưa ngay chiếc bánh cho ông lão, thái độ vui vẻ khác hẳn mọi hôm. Ông lão lại nhận bánh như mọi hôm và tặng bà một câu quen thuộc “cho gì sẽ nhận lại nấy”, rồi quay đi.
Bà chủ trong lòng thấy nhẹ nhõm hẳn, chắc mẩm ngày hôm sau sẽ không còn phải gặp cái gai trong mắt và nghe câu nói vô nghĩa đó nữa ngoài những lời tán dương, ca ngợi tấm lòng nhân đức của bà.
Tối hôm ấy, khi bà chuẩn bị ngủ sớm, bỗng có tiếng gõ cửa từ bên ngoài. Bà chạy ra mở cửa thì vô cùng bất ngờ vì gặp được cậu con trai đi học ở xa, nhìn cậu bé rất mệt mỏi, tiều tụy. Bà vội đón con vào, rót nước và hỏi han cậu con trai độc nhất vô cùng yêu quý của mình. Bà hỏi vì sao trông con mệt mỏi vậy, và trên đường xảy ra chuyện gì hay sao… Cậu con trai đáp: “Mẹ ơi, con được nghỉ dài nên về nhà thăm mẹ. Giữa đường con bị móc mất túi tiền, không còn đồng nào trong túi. Đói quá con phải xin ăn để về được tới nhà đấy”. Bà mẹ nghe xong vô cùng đau xót, nghẹn ngào thương cảm cho con trai yêu quý.
Bà chưa kịp hỏi thêm thì con trai mở túi lấy ra miếng bánh và nói: “Khi về đến gần làng con đói quá, như sắp ngất xỉu. May thay lúc ấy có ông lão ăn mày tới gần, cho con uống nước và đưa miếng bánh này cho con. Bánh ngon quá nên con cố dằn lòng mang về mẹ con mình cùng ăn, vì con thấy rất giống bánh mẹ trước đây hay làm cho con”.
Bà chủ tiệm nghe vậy thấy giật mình, tưởng như bị sụp xuống hố, nhìn lại miếng bánh thì đúng là phần mà bà đưa cho người ăn mày chiều nay. Bà đã khéo léo đánh dấu để không nhầm với những miếng bánh khác, chính tay bà làm, không lẫn đi đâu được. Lúc đó bà mới hốt hoảng giật vội miếng bánh và hỏi ngay con trai: “Con đã ăn miếng nào chưa con? Trả lời mẹ ngay!”. Con trai bà nói: “Chưa mẹ, con định bây giờ ăn cùng mẹ, ông lão đó thật tốt bụng quá”.
Bà mẹ nghe xong như trút được gánh nặng ngàn cân, vội vàng đem bỏ miếng bánh và nói với con trai: “Mẹ biết ông ấy tốt bụng rồi, mình sẽ ăn miếng bánh khác mẹ vừa làm. Từ giờ mẹ sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm đó nữa…”.
Bài học rút ra:
- Bất kể việc gì chúng ta làm đều có hậu quả về sau, có thể do bản thân ta chịu mà cũng có thể người thân phải gánh.
- Hơn nữa, nếu thực tâm làm từ thiện, thì hãy cứ làm, đừng chỉ vì mong đợi lời ca tụng, hàm ơn ở người khác mà tự đề cao bản thân rồi sinh ra tâm nhỏ mọn, hẹp hòi, và có thể gây hậu họa về sau.
Nhưng thật khó, ở đời tham sân si là thứ mà con người thường khó cưỡng lại được. Vì tham lam tiền tài, mà con người ta bất chấp đạo đức mà kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí là độc hại, cũng vì tham danh vọng mà con người ta sẵn sàng dẫm đạp lên nhau, cũng vì tranh giành địa vị mà con người ta không ngần ngại bày gian kế để hãm hại người khác... Nhưng rồi thứ họ cho đi cũng chính là thứ mà họ (hoặc người thân) nhận lại!