Khi bạn có quá nhiều sự lựa chọn

Khi bạn có quá nhiều sự lựa chọn

Blog

Khi bạn có quá nhiều sự lựa chọn

 

Khi bạn có quá nhiều sự lựa chọn, bạn không biết mình muốn gì. Khi bạn biết mình cần gì thì cũng là lúc bạn không còn sự lựa chọn!

Có nhiều sự lựa chọn sẽ tạo nên cảm giác FOMO, và điều đó sẽ khiến chúng ta phải khổ sở.

 

 

Vào những năm 1990, mỗi cửa hàng tạp hóa thường có khoảng 7.000 món hàng. Chừng đó đã là rất nhiều để lựa chọn, nhưng ngày nay, con số đó đã tăng lên đến 50.000. Tức bạn có 50.000 sự lựa chọn – 50.000 câu trả lời "có" hoặc "không" – mỗi khi bước vào một cửa hàng như vậy.

 

 

Bởi có rất nhiều thứ quan trọng cần làm hơn là việc mua sắm thường ngày, và hầu như mỗi công việc trong số đó cũng đi kèm với hàng loạt những lựa chọn, ai mà không căng thẳng cơ chứ? Trên thực tế, có một khái niệm được đưa ra để diễn tả sự bồn chồn chúng ta gặp phải khi có quá nhiều tự do: Hội chứng FOMO – "Fear of Missing Out" (Lo sợ bỏ lỡ điều gì đó). Bạn không thể quyết định nên mua loại cổ phiếu nào? Bị FOMO rồi! Không biết nên đi đến sự kiện nào? FOMO rồi! Khó khăn trong việc quyết định có nên bước vào một mối quan hệ hay không? FOMO nốt!

 

 

Trong cuốn sách "Nghịch lý của sự lựa chọn", tác giả Barry Schwartz đã giải thích về việc có quá nhiều lựa chọn sẽ dẫn đến 4 điều kiện có thể khiến hạnh phúc của chúng ta giảm sút như thế nào. Và tất cả chúng đều xuất phát từ FOMO.

 

 

1. Tê liệt khả năng phân tích

 

 

Chọn 1 món ăn trong 2 món thì dễ hơn nhiều so với chọn 1 món ăn trong 50 món. Với càng nhiều sự lựa chọn, chúng ta sẽ dành thời gian phân tích nhiều hơn, và thường bị rối. Sau một lúc, chúng ta sẽ chọn…không làm gì cả, và tất nhiên ngồi một chỗ những đầu óc vẫn quẩn quanh những lựa chọn thì chẳng tốt chút nào.

 

 

2. Hối tiếc về điều có thể sẽ diễn ra

 

 

Nếu có hàng triệu lựa chọn, bạn hẳn sẽ phải tìm thấy một lựa chọn hoàn hảo, đúng chứ? Không đâu. Hoàn hảo là thứ hầu như không bao giờ tồn tại. Nhưng khi đứng trước rất nhiều lựa chọn như vậy, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng phải có thứ hoàn hảo lẩn khuất đâu đó, mình chỉ phải tìm ra nó mà thôi – kết quả là khiến bản thân phải đối mặt với một áp lực khổng lồ buộc phải đưa ra những lựa chọn đúng đắn.

 

 

3. Hối tiếc sau khi quyết định

 

 

Sự lựa chọn hoàn hảo nói trên vẫn luẩn quẩn quanh bạn rất lâu sau khi bạn đã đưa ra quyết định. Do đó, không cần biết bạn đã chọn điều gì, nếu bạn có quá nhiều lựa chọn ở thời điểm quyết định, khả năng bạn hối tiếc về lựa chọn đó sau này sẽ cao hơn – và bạn sẽ nghĩ rằng đó là lỗi của mình.

 

 

4. Kỳ vọng quá mức

 

 

Càng có nhiều lựa chọn, kỳ vọng của chúng ta sẽ càng cao hơn. Về mặt khách quan, khả năng chọn được một chiếc quần jean vừa vặn trong số 10 chiếc sẽ cao hơn so với khi chỉ có 3 chiếc. Nhưng về mặt chủ quan, bạn có thể vẫn cảm thấy không vui, bởi trong quá trình so sánh, kỳ vọng của bạn đã tăng lên nhiều. Với 10 chiếc quần jean, kỳ vọng của bạn không còn giới hạn ở việc "tốt hơn" nữa, mà đã chuyển sang "hoàn hảo hơn".

 

 

Bởi quá nhiều lựa chọn sẽ dẫn đến 4 điều kiện nói trên và gây ra nhiều áp lực tâm lý lên chúng ta, FOMO chính là mấu chốt của những bất hạnh trong cuộc sống hiện đại. Với FOMO, ngay cả những lựa chọn nhỏ nhất, ít liên quan nhất cũng có thể bị thổi phồng lên thành một khủng hoảng hiện sinh nghiêm trọng. Nhưng thay vì liên tục tìm cách giải quyết chúng, chúng ta nên nhắm vào mấu chốt của vấn đề: đối mặt với FOMO.

 

 

Bước đầu tiên trong cuộc chiến này là nhận biết khi nào nó diễn ra. Khi bạn thấy bản thân đang khiên cưỡng hoặc tốn thời gian dài hơn bình thường để đưa ra một lựa chọn, hãy dừng lại và ngẫm nghĩ một chút. Đặt ra một vài câu hỏi xoay quanh nó. Tại sao chuyện này lại khó khăn đến vậy? Điều gì đang ngăn mình tiến lên phias trước? Đây có phải là một vấn đề quan trọng không? Hay liệu tôi có nên tung đồng xu và đừng quan tâm quá nhiều đến kết quả thu được?

 

 

Bạn càng làm điều này nhiều, bạn sẽ càng nhận ra những quyết định mình từng xem là "quan trọng" thực ra là hầu như vô nghĩa. Và với mỗi lựa chọn mà bạn đã làm rõ, ý tưởng về thứ bạn muốn sẽ dần trở nên rõ ràng hơn, và bạn sẽ nhận ra rằng FOMO chẳng có nghĩa lý gì cả.

 

 

Không phải ai trong chúng ta cũng nhớ về khoảng thời gian đơn giản trước khi có smartphone, internet, hay thậm chí là trước khi có máy tính. Nhưng, dù bạn có may mắn nhớ được hay không, hãy nhớ rằng: chúng ta đã từng phải thực hiện những quyết định với mọi thứ mình có trong tay trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống.

 

 

Khi còn nhỏ, bạn hẳn từng phải gọi đến nhà bạn bè để hẹn ngày đi chơi. Bạn đặt ra một mốc thời gian và sau đó đến chỗ hẹn. Và khi về đến nhà, bạn phải ngừng trò chuyện. Có thể bạn sẽ không gặp lại người bạn đó trong suốt một tuần tiếp theo. Nhưng mọi thứ đều tốt một cách hoàn hảo. Ngày nay, cũng tình huống đó cùng tất cả những điều không chắc chắn xoay quanh nó, có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu trong người. Liệu anh ấy có nhấc máy? Liệu cô ấy có thời gian đi chơi với bạn không? Anh ấy đã làm gì trong suốt tuần mà hai bạn không gặp nhau?

 

 

Thời đó chưa có internet để cả hai liên lạc với nhau 24/7. Nhưng chúng ta cũng chẳng cần quan tâm ai, hoặc vì cái gì, mà phải trực tuyến 24/7 cả. Lúc đó chỉ có 10 đôi giày ngoài tiệm, chỉ có 3 chiếc xe trong khoảng giá bạn có thể chi trả ở đại lý, và chỉ có 2 cô bé bạn thích trong nhóm bạn đồng lứa. Chẳng điều gì khiến bạn có cảm giác như tận thế đến nơi rồi cả. Trên thực tế, đúng như những gì mà ngày nay chúng ta ngẫm lại, mọi thứ ngày xưa đều khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ hơn.

 

 

Vậy nên chúng ta không cần phải quá ám ảnh với mọi chi tiết trong cuộc đời mình. Hãy quên FOMO đi. Đừng để sự tự do chiếm lấy bộ não bạn. Đừng để nó đánh lừa bạn, khiến bạn nghĩ thứ gì đó là quan trọng trong khi không phải vậy. Trong một bối cảnh lớn lao, chúng ta là những thực thể bé nhỏ, và sự nhỏ bé ấy chính là nơi hạnh phúc trú ẩn.

 

 

Thay vì FOMO, hãy tìm JOMO – "Joy of missing out" (Niềm vui khi bỏ lỡ thứ gì đó). Trong một thế giới quá đầy đủ, từ bỏ là lý do để ăn mừng, không phải thứ để lo sợ. Mỗi khi cảm thấy bị giới hạn, hãy vui vì bạn có ít sự lựa chọn. Nói cảm ơn, chọn lấy một thứ, và đi tiếp. Và khi bạn đối mặt với một sự lựa chọn lớn, hãy đặt ra một vài tiêu chí. Tìm những thứ đáp ứng tiêu chuẩn của bạn, và đừng nhìn lại.

 

 

50.000 món đồ trong siêu thị - thế giới quả thực đã rộng lớn hơn rất nhiều. Nhưng đó chẳng phải là lý do bạn để nó biến mình thành kẻ luôn lo lắng. Bạn có thể xoay vòng mọi lựa chọn, hoặc bạn có thể không cần làm vậy. Bạn có thể thu hẹp vòng tròn lựa chọn. Đưa ra một lựa chọn để loại bỏ 1.000 lựa chọn khác. Hãy chọn những điều nho nhỏ thôi. Và đừng bị đánh lừa bởi câu nói "thừa còn hơn thiếu".

 

 

Cửa hàng có bao nhiêu món đồ không quan trọng, quan trọng là bạn có thể đặt ra giới hạn cho chính mình. Bạn là người nắm quyền kiểm soát. Hãy sử dụng nó. Tập làm quen với nó. Kỷ luật là hạnh phúc. Hãy áp dụng nó ở mọi nơi có thể.