Khả năng hiểu biết là vô tận
Blog
Khả năng hiểu biết là vô tận
Người nào nói rằng trong cuộc đời, phải tin vào kiến thức và kinh nghiệm của bản thân thì hãy cẩn thận. Ví dụ, mình mua một cuốn sách về đắc nhân tâm, về tâm lý hay nghệ thuật sống để đọc thì nên thận trọng. Vì cuộc đời không cho ta một công thức nào để có thể áp dụng dễ dàng được.Vui học Kỹ năng Bài toán trong cuộc đời là rất phức tạp, càng đi sâu vào thực tế càng thấy những chuyện đau lòng và nhức đầu, khiến cho chúng ta dễ bị sốc hay lúng túng.
Như khi muốn tới một xứ lạ, nếu có trình độ về ngoại ngữ hay ngôn ngữ của xứ ấy thì bạn có thể lên mạng lấy tài liệu nghiên cứu, tìm hiểu cách sống và văn hóa của họ để khi đến nơi ấy bạn sẽ ứng dụng những điều đã biết và điều chỉnh bản thân phù hợp với cuộc sống của họ. Còn nếu không biết một chút gì về xứ lạ ấy mà bỗng nhiên phải đi đến nơi ấy sống thì cái mà bạn cần chính là khả năng hiểu biết của mình. Nghĩa là khả năng ấy nằm tiềm tàng bên trong chứ không phải là những kiến thức, kinh nghiệm bạn đã biết.
Cái quý nhất của con người là khả năng nhận thức. Kiến thức là cái đã có rồi, nhưng khả năng để tạo kiến thức cho phù hợp là vô tận. Chúng ta cần phải lưu ý tới khả năng này, chứ đừng gửi gắm cuộc đời mình vào những kiến thức mà mình đang có. Việc coi trọng những kiến thức mà mình có, coi chúng như chìa khóa để giải quyết các bài toán cuộc đời là một vấn đề mà chúng ta phải cẩn thận. Kiến thức rất cần thiết, nhưng nó chỉ là những giải pháp cụ thể cho những trường hợp cụ thể.
Ví dụ, mình tới nước khác thì cần kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa của họ, nhưng không phải những kiến thức ấy sẽ thỏa mãn cuộc sống của mình. Đó chỉ là một trong những điều kiện cần có mà thôi. Còn khả năng nhận thức mới chính là thứ thực sự giúp cho chúng ta. Nếu chịu khó để ý, quan sát, lắng nghe, dùng ý chí mạnh để học hành, để nghiên cứu thì dần dần chúng ta sẽ biết tất cả. Và nếu dựa vào sự tỉnh táo, ý chí, hoài bão, ước mơ, sức kiên nhẫn chịu đựng, quyết tâm hoàn thiện nhân cách của mình thì từng bước, từng bước, mình sẽ phát triển được nhiều kiến thức khác nhau, nhiều bản lĩnh khác nhau mà không bao giờ quá tự cao, tự đại.
Nói tóm lại, chúng ta cần đến trường để học, để lấy bằng cấp, nhưng chúng ta đừng cho rằng nó sẽ quyết định cuộc đời mình. Hãy nhìn những thế hệ đi trước, họ cũng tốt nghiệp các trường đại học lớn trên thế giới, rất giỏi và có nhiều bằng cấp cao, nhưng cuộc đời của họ khi kết thúc không hề đơn giản chút nào. Nếu như không có một cái nhìn căn bản, mình có thể sẽ đi vào một con đường nhỏ và cho như vậy là ổn. Nhưng nếu chẳng may phải đi ra một đại lộ hay một ngã năm, ngã bảy thì mình sẽ thấy chới với, không biết đường nào để đi. Lúc đó, chỉ còn cách dựa vào sự tỉnh táo để quan sát, xem bản đồ, định hướng… đường đi mà thôi.
Trích trong sách “Người Việt Nam, Hồn Việt Nam” của tác giả Duy Tuệ, được phối hợp ấn hành năm 2012 bởi NXB Văn Hóa Thông Tin và Công ty CP Đầu tư Giáo dục Minh Triết.