Giỗ xưa và Giỗ nay!

Giỗ xưa và Giỗ nay!

Blog

Giỗ xưa và Giỗ nay!

Trước khi đi vào vấn đề như tiêu đề bài viết, tôi xin được trích dẫn định nghĩa về ngày giỗ:

Giỗ là một buổi lễ, nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt nhằm tưởng nhớ đến những người đã qua đời. Giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất theo Âm lịch của người được thờ cúng. Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở con cháu về những người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, dòng họ, đôi khi trong cùng nghề.

Cúng giỗ là một buổi lễ kỷ niệm ngày người mất qua đời quan trọng của người Việt, được tính theo Âm lịch. Ngày này là ngày để thể hiện tấm lòng thủy chung, thương xót của người đang sống với người đã khuất, thể hiện đạo hiếu đối với Tổ tiên. Nhà giàu thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh em bằng hữu về dự giỗ. Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, ba nén nhang, một đôi nến và vài món ăn giản dị cúng người mất cũng đã có lòng Thành kính đối với người đã mất. Lòng thủy chung, thương xót người đã khuất chỉ phụ thuộc vào việc con cháu phải nhớ ngày người mất để làm giỗ, không liên quan đến việc làm giỗ lớn hay nhỏ.

Thân bằng, cố hữu của những người quá cố nếu thấy lưu luyến thì đến dự giỗ theo ngày đã định sẵn từ trước, không cần phải đợi đến thiệp mời như tiệc cưới, lễ mừng, không nên có chuyện  có mời thì đến, không mời không đến.

Giỗ ngày xưa:

Oong bà truyền dạy: “Đó là việc hiếu, mọi người đến không phải vì cỗ to, vì miếng ăn, mà là để tưởng nhớ người đã mất, vì họ hàng làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Vì vậy, các đám ma, đám giỗ ở quê, không ai buông một lời chê, không có cãi vã, to tiếng, say rượu, cờ bạc... Người già rất coi trọng cỗ, chứ không coi trọng cỗ. Ngày giỗ lấy tâm thành là chính chỉ cần “bát cơm, quả trứng” cúng là đủ. Vì vậy, hầu như tất cả các gia đình ở Quê, dù làm giỗ to nhỏ, nhiều ít, mâm cao cỗ đầy như thế nào thì gần cuối buổi lễ đều dâng lên bàn thờ một bát hoặc một liễn cơm và một quả trứng (hột) vịt hoặc gà luộc đã bóc vỏ, và bóp vỡ một chút ở chỗ ít lòng trắng để lộ phần lòng thêm một ít muối bên cạnh.

Xưa những đám giỗ trọng ở quê có hai cách tổ chức gàn như là lệ làng: Làm mở rộng đối với những giỗ mới, nhất là giỗ đầu (một năm sau ngày mất và giỗ hết (hai năm sau ngày mất, có nhà làm vào ngày thứ 100 sau hai năm gọi là giỗ bỏ tang hay “bỏ trở” - từ sau ngày đó, con cháu không phải để trở).

Làm trong phạm vi hẹp (chú bác, anh chị em, con cháu) rượu từ giỗ sau giỗ bỏ tang trở đi. Gia chủ có làm rộng cũng ít người đến.

Giỗ là để họp mặt gia đình, để tưởng nhớ và noi gương tốt của những người thân trong gia đình đã mất, đó là việc hiếu, là một hoạt động tâm linh của người Việt nói chung. Nó mang nặng tính truyền thống và là một phong tục đậm đà bản sắc dân tộc, cần được duy trì.

Giỗ ngày nay:

Ngày nay khi đời sống con người được nâng cao, trình độ dân trí cũng được "nâng cao", thì ngày giỗ không chỉ là ngày để họp mặt gia đình và tưởng nhớ người đã khuất. Mà nó còn là dịp để tự tập đàn đúm ăn nhậu, chơi bời và ca hát. Họ tổ chức thật linh đình, mâm to cỗ lớn, thuê những ban nhạc về để ca hát nhảy múa tới tận khuya. Và họ xem đó như là một cách để tỏ rõ sự hiếu thuận cho người đời thấy.

Những ngày ông bà, cha mẹ họ còn sống, họ không chăm lo phụng dưỡng, không báo hiếu. Đợi đến ngày ông bà cha mẹ họ mất, họ tổ chức giỗ thật linh đình để nói với thiên hạ rằng họ là những người con, người cháu hiếu thảo. Mâm to cỗ lớn - Liệu ông bà có về ăn được không? Nhạc nhẽo đình đám để buồn, để tiếc thương hay là để ăn mừng ngày mất của ông bà, cha mẹ??????

Và chúng ta gọi đó là giáo dục? Đó là truyền thống?