Giáo dục con trẻ chỉ gói gọn trong 4 câu

Giáo dục con trẻ chỉ gói gọn trong 4 câu

Blog

Giáo dục con trẻ chỉ gói gọn trong 4 câu

Giáo dục con trẻ chỉ gói gọn trong 4 câuGiáo dục của Nhật Bản đã và đang trở thành hình mẫu lý tưởng cho nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy, điều gì đã tạo nên sự thành công đó? Câu chuyện của một vị hiệu trưởng dưới đây có thể phần nào khiến người ta minh bạch.

Tại Nhật, cứ đến tháng 4 là bắt đầu một năm học mới, khi những đứa trẻ lên lớp thì cũng đồng thời thay đổi giáo viên chủ nhiệm. Mỗi lần nhà trường tổ chức các hoạt động cho con, tôi đều rất bận không có thời gian đến tham dự. Tuy nhiên lần họp phụ huynh vào tháng 3 này, cũng là cuộc họp tổng kết cuối năm học, vậy nên dù bận đến mấy tôi đã cố gắng tham gia.
 
Thời gian trôi qua thật nhanh, thoáng chốc một năm học đã kết thúc, con trai lại sắp lên lớp mới, cũng đồng nghĩa với việc thay đổi giáo viên chủ nhiệm. Để bày tỏ sự tôn trọng và biết ơn đối với giáo viên đã dạy dỗ con trong cả một năm học vừa qua, nên cuộc họp này rất có ý nghĩa đối với tôi.
 
Sau khi kết thúc bài phát biểu tổng kết năm học, hiệu trưởng đương nhiệm đã nêu ra một số vấn đề còn tồn tại của con trẻ. Và những vấn đề này đều có liên quan tới việc giáo dục trong gia đình, yêu cầu các bậc phụ huynh cần phối hợp và chú ý.
 
Đó là một vấn đề khá nổi cộm và là xu hướng trong lớp trẻ hiện nay: “Mỗi sáng sớm tới trường, khi cúi chào giáo viên đứng tiếp đón học sinh ở trước cổng trường, bọn trẻ đều không nhìn thẳng vào mắt của người đối diện, mà chỉ chào qua loa ứng phó lấy lệ. Có những học sinh đến cả câu nói ‘chào buổi sáng’ cũng nói không được rõ ràng”.
 
Khi nghe thầy hiệu trưởng phản ánh vấn đề này, tôi cảm thấy ngạc nhiên và kỳ lạ. Điều tôi thấy kỳ lạ không phải ở sự không lễ phép của các con, mà chỉ cảm thấy đây chẳng phải là vấn đề gì quá to tát, tại sao nhà trường lại trịnh trọng nêu lên trong cuộc họp phụ huynh như vậy, lại còn kêu gọi cha mẹ phải quan tâm chú ý. Không những vậy còn cố ý đặc biệt mời một vị hiệu trưởng già có kinh nghiệm tới chia sẻ về việc giáo dục dạy dỗ trẻ?
 
So với việc tổng kết năm học, dường như bài diễn thuyết của vị hiệu trưởng già được coi trọng hơn nhiều. Bài diễn thuyết của ông dài tới hơn một tiếng đồng hồ, và đó gần như là toàn bộ thời gian của buổi họp phụ huynh.
 
Còn có một điều khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa, khi vị hiệu trưởng đương nhiệm đề cập tới vấn đề lễ phép của học sinh, thì không mang chút khẩu khí trách móc hay sự phê bình nào, cũng không khiến phụ huynh chúng tôi cảm giác áp lực. Lời của ông chỉ làm cho chúng tôi thực sự cảm nhận rằng, tất cả sự lo lắng quan tâm của nhà trường và thầy cô đối với học sinh còn có trách nhiệm và dụng tâm hơn rất nhiều so với người làm cha làm mẹ chúng tôi.
 
Khi thầy giáo đề cập tới vấn đề này, có dùng một đoạn miêu tả như sau:
 
“Gần đây tôi luôn cảm thấy rất cô đơn. Cứ mỗi sáng nhìn thấy các con chào hỏi mình bằng một thái độ lãnh đạm lạnh lùng, khiến cho thân phận người làm thầy giáo như tôi cảm thấy dường như không có ai chú ý tới sự tồn tại của mình.
 
Một người lẻ loi trơ trọi đứng ở đó thật như không còn ý nghĩa gì nữa. Mọi người có thể không nhìn thấy nét mặt của tôi khi đó, thật sự đó là một cảm giác buồn tủi lạnh lẽo và tuyệt vọng.
 
Tôi rất hy vọng mỗi ngày được nhìn thấy các con đến trường với không khí vui vẻ hứng khởi. Nếu có thể được nghe thấy những giọng nói tràn đầy sự vui vẻ hạnh phúc của các con, tự nhiên tinh thần của bản thân cũng hứng khởi hơn, thấy mình như có thêm sức sống”.
 
Thầy giáo vừa nói vừa có những cử chỉ tỏ vẻ buồn tủi và ủy khuất, khiến phụ huynh chúng tôi có mặt ở đó cũng cảm thấy rất xúc động.
 
Hóa ra đây mới thực sự là lý do nhà trường mời vị hiệu trưởng già đến để chia sẻ cho chúng tôi về kinh nghiệm truyền thống trong giáo dục con cái ở gia đình.
 
Tôi thật sự không ngờ rằng, tôi lại có thể được trải nghiệm hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác diễn ra ngoài suy nghĩ của mình như vậy.
 
Điều then chốt để giải quyết vấn đề… lại nằm ở ngoài vấn đề
 
Điều thứ ba làm tôi ngạc nhiên, đó là những gì mà người hiệu trưởng già chia sẻ với chúng tôi. Mặc dù đó không phải là đạo lý gì quá cao siêu khó hiểu, mà chỉ là bốn câu nói mà mọi người ai ai cũng đều có thể lý giải.
 
Vị hiệu trưởng già chia sẻ từ đầu đến cuối, đều không hề nhắc tới việc làm thế nào để nghiêm túc rèn giũa hay thúc giục trẻ nhỏ chào hỏi buổi sáng. Ông chỉ là gợi mở cho mọi người điểm mấu chốt để có thể giải quyết vấn đề. Và điều đáng ngạc nhiên là, điểm then chốt này lại không hề liên quan gì tới vấn đề kia.
 
Ông nói rằng, cha mẹ thông qua việc tự lấy mình làm tấm gương mẫu mực và tình yêu thương một cách lý trí để giáo dục con như mưa dầm thấm lâu hằng ngày. Từ đó khiến cho trạng thái tinh thần của con dần trở nên khỏe mạnh tích cực, cũng hình thành sự thiện lương trong nhân cách của trẻ. Nhờ vậy, trẻ mới có thể hòa nhập với xã hội và bước tới con đường tương lai.
 
Vậy bốn câu mà vị hiệu trưởng già chia sẻ rốt cuộc là gì?
 
Đó chính là:  
 
1. Thời kỳ sơ sinh, cần gần gũi thân thiết như da với thịt;


2. Thời kỳ mầm non, chỉ chia cách về thể xác chứ không thể buông tay;


3. Thời kỳ thiếu niên, buông tay nhưng không rời mắt chú ý;


4. Thời kỳ thanh niên, rời mắt nhưng không rời tâm.
 
Vị hiệu trưởng giải thích ý nghĩa của bốn câu này như sau:
 
Thời kỳ sơ sinh là khi con mới đến với thế gian này, không thể nói, không thể đi lại, cũng không cách gì để nói chuyện chia sẻ, nên sẽ đầy lo sợ bất an. Vào lúc này, sự ôm ấp nâng niu che chở của cha mẹ, chính là sự an ủi, vỗ về và mang lại sự ấm áp lớn nhất cho con, giúp con không cảm thấy cô độc sợ hãi.
 
Đến thời kỳ mầm non, con có thể tự đi đứng và hoạt động. Từ nay con sẽ có sự hiếu kỳ với thế giới xung quanh, cũng biết bày tỏ cảm xúc, cũng muốn tự mình bước đi. Tuy nhiên các con vẫn chưa biết rõ thế nào là nguy hiểm, cứ đi cứ đi, và khi không chú ý quan tâm thì con có thể sẽ gặp nguy hiểm. Bởi vậy cần nắm tay con thật chặt không thể buông lơi. Cần nắm tay dẫn dắt con học những kỹ năng tự lập cơ bản trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, như ăn uống, vệ sinh, mặc quần áo…
 
Khi con vào tuổi thiếu niên, mà theo cách nói của người hiện đại là ‘thời kỳ phản kháng’. Kỳ thực, thời gian này không khó để dạy bảo con, nhưng cần chú ý giáo dục một cách có lý trí, cần hiểu được những đặc điểm trong từng độ tuổi của con.
 
Lúc này, trẻ đã có thể tự làm được những việc sinh hoạt hằng ngày như chăm sóc bản thân, lễ giáo ứng xử cơ bản. Vì vậy không nhất thiết việc gì cũng cần cầm tay chỉ việc; có thể buông tay, tuy nhiên vì con vẫn chưa thực sự trưởng thành, khi gặp khúc mắc vẫn rất có thể xảy ra vấn đề.
 
Điều cha mẹ chúng ta cần chú ý là những cảm xúc và những thay đổi dù là nhỏ nhất của trẻ, hỏi han quan tâm để con cảm nhận được rằng cha mẹ luôn quan tâm tới chúng. Tuy nhiên cũng cần dành cho con một không gian riêng và sự tin tưởng.
 
Giai đoạn này con trẻ cần có sự tự do nhất định, cũng như những suy nghĩ vui buồn của bản thân. Thế nhưng mắt chúng ta không thể rời khỏi con, không thể không quan tâm tới những điều đó, mà cần tìm thời gian thích hợp để hướng dẫn động viên an ủi kịp thời. Điều này giúp trẻ cảm nhận được rằng, cha mẹ luôn ở bên cạnh dõi theo từng bước đường đi của mình, nên sẽ cảm thấy vững tâm hơn.
 
Khi con trưởng thành, có thể hoàn toàn độc lập, cũng cần giữ liên lạc, hỏi thăm để con luôn cảm thấy ám áp, không cô độc. Cho dù có đi tới nơi đâu, đều cảm nhận và biết rằng tấm lòng cha mẹ vẫn luôn hướng về mình, đi theo mình, tình cảm gia đình vẫn không hề thay đổi. Cho dù con không ở bên, cũng không nhìn thấy, nhưng tấm lòng không hề cách xa mà luôn gần gũi bên con.
 
Đây chính là trí tuệ giáo dục con trẻ đơn giản mà hiệu quả của cổ nhân. Tình yêu thương xuyên suốt toàn bộ quá trình dạy bảo con, tuy nhiên cũng cần tinh tế để ý tới mỗi từng giai đoạn phát triển trưởng thành của con, từ đó mà có sự đối xử sáng suốt phù hợp với trẻ. Cũng qua đó dung dưỡng con trẻ trở thành một người vừa tự lập và bản lĩnh trong xã hội, lại vừa không cảm giác cô đơn.
 
Chỉ bốn câu đơn giản, lại có thể nói rõ ràng mấu chốt trong việc giáo dục gia đình, thực sự khiến tôi xúc động sâu sắc. Qua chia sẻ của người hiệu trưởng già, thế giới quan của tôi như được mở rộng hơn, từng nút thắt phức tạp trong tâm cũng nhờ đó mà được tháo bỏ. Có lẽ tôi đã phần nào biết được rằng, để dạy bảo con mình, tôi cần phải làm một người mẹ như thế nào.