Chuyện nhà Timo
Blog
Chuyện nhà Timo
Tony có một người chị họ tên Phương. Chị học ĐH ngoại ngữ, rẽ ngang làm hướng dẫn viên du lịch rồi lấy anh Paul, người Mỹ, rồi định cư luôn ở Cali. Nhà chị ở cách Los Angeles 1h đi xe, mỗi lần Tony đi Mỹ đều ghé thăm nhà chị.Dượng Tony Bài họcChị Phương có 2 đứa con trai, Timo năm nay học lớp 6 và James, lớp 2. Mẹ chị Phương là cô Bình, vốn là một cô giáo dạy Anh văn cấp 2, khi con gái lấy chồng thì bỏ dạy học, qua đây sống cùng với con gái. Trong nhà, mọi người vẫn nói với nhau bằng tiếng Việt vì anh Paul khuyến khích việc này. Tony qua chơi, hay nói chuyện với Timo và rất ngạc nhiên trước suy nghĩ của cậu bé. Có lần, nhân dịp bà ngoại đưa James đi chơi với bạn, ở nhà chỉ có chị Phương, Timo và Tony. Ngồi tâm sự, Timo nói là nó ghét nhất là bà ngoại, nhưng cứ nói ra là mẹ nó, chị Phương, vốn là một “shouting mom”, tức một bà mẹ hay la mắng, bảo không được nói điều này khi có mặt bà. Tony mới hỏi đâu con kể ra cho cậu nghe đi, bà ngoại làm gì mà con ghét vậy. Nó nói bà ngoại kỳ cục lắm. Nó kể, cứ đi học về, câu đầu tiên bà sẽ hỏi là “Timo, con ăn cái gì chưa?”, và câu thứ hai là “hôm nay đi học có ngoan không”. Nó hỏi “ngoan” là gì, nó hỏi mẹ nó nhưng mẹ nó nói không biết, bảo con hỏi cậu Tony ấy, cậu ấy giỏi tiếng Anh hơn mẹ.
Tony ngồi suy nghĩ mất mấy phút, vì dịch chữ “ngoan” sang tiếng Anh là một việc cực khó. Dùng “nice, good” cũng không đúng, mà “kind, lovely...” gì cũng sai. Vật vã mãi Tony mới dịch sát nhất chữ “ngoan” là “obedient”, tính từ của động từ "to obey" nghĩa là “biết vâng lời, nghe lời, tuân lệnh, tuân theo”. Tony bảo văn hóa châu Á, người nhỏ phải “ngoan” với người lớn. Timo nó ngạc nhiên lắm, nó bảo, vậy Timo không ngoan được rồi, vì Timo chỉ “obey rules and regulations” thôi, tức chỉ tuân theo các quy tắc, quy định...chứ không "obey" người khác chỉ vì người khác là người lớn. Nó còn bảo “nếu mình ngoan với người lớn, mà người lớn sai thì sao”.
Lúc này thì Tony cứng họng. Chị Phương đang nấu ăn dưới bếp, loáng thoáng nghe câu chuyện, thì quát tháo lên: Timo, con không được hỗn. Timo hỏi, uncle Tony ơi, “hỗn” tiếng Anh là gì? Tony bắt đầu thẩu thẩng quay thung (nhức đầu đau bụng) vì bất đồng ngôn ngữ. Chị Phương còn nói câu ca dao mẹ dạy con không nhớ à, “cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư”. Timo nói cậu dịch sát nghĩa giùm. Tony nhanh nhẹn dịch “Fish must be marinated with salt, if not, it will be damaged. If you dont obey your parents’s, 100% you are wrong”. Timo không đồng ý, nó bảo nếu cá bỏ vô tủ đông tủ đá thì cũng đâu có ươn đâu cậu. Tony mới nói, ừa câu này ngày xưa rồi, khi loài người chưa phát minh ra tủ lạnh, giờ có thể có cách khác mà cá vẫn không ươn dù không ướp muối. Chị Phương nói mệt quá, hai cậu cháu bưng nồi cá hấp ra ngoài ăn nè.
(còn tiếp)