Cha mẹ không nhẫn tâm buông tay sẽ dưỡng con thành đứa trẻ không bao giờ chị lớn
Blog
Cha mẹ không nhẫn tâm buông tay sẽ dưỡng con thành đứa trẻ không bao giờ chị lớn
Trong xã hội ngày nay, có không ít những đứa trẻ “không chịu lớn”, được cha mẹ cưng chiều “nước đưa tận tay, cơm đưa tận miệng”. Nhiều bậc cha mẹ có con như vậy cũng đau buồn cũng than thở đó, nhưng đâu lại vào đấy, vẫn làm tất cả mọi việc cho con. Rốt cuộc là không chịu “nhẫn tâm” buông tay.
Dịp Tết vừa qua tôi về thăm quê, có gặp một đứa cháu, nó lớn lên ở trong nước, mặc dù mới 13 tuổi nhưng đã cao tới 1,7m, giọng nói cũng đã ồm ồm. Tôi vẫn còn nhớ rõ hồi nó còn bé, vậy mà bây giờ đã cao như người lớn rồi, thời gian quả là trôi nhanh quá.
Ngày Tết, chúng tôi đến nhà thằng bé chơi. Sau khi vào nhà, thấy thằng bé mặc vẫn áo ngủ ngồi trên ghế sofa cầm điện thoại di động chơi game. Thấy có khách đến, nó cũng không thèm ngước mặt lên nhìn một chút. Mẹ của nó bảo nó chào dì đi, nó cũng không mở miệng khiến cho mẹ nó tức giận chỉ biết lắc đầu than thở. Đến bữa ăn chỉ còn chờ mỗi nó đến ngồi vào bàn, vậy mà gọi mấy lần cũng không thấy nghe, mắt cứ nhìn chăm chú vào màn hình điện thoại, tập trung chơi game. Mẹ nó tức giận gào lên, đến lúc này nó mới miễn cưỡng đi đến bàn ăn.
Thằng bé đi đến bên bàn ăn liếc nhìn đồ ăn ở trên bàn một cái rồi nhăn mặt nói: “Toàn là thịt không à, con không muốn ăn”. Mẹ nó nói: “Ở đâu mà toàn là thịt? Có nhiều rau dưa đây này, còn không ăn, thì muốn ăn cái gì?”.
Nó lớn tiếng nói: “Con thích ăn cái gì mẹ không biết sao? Con nói lại một lần nữa là con chỉ thích ăn khoai tây và ngó sen mà thôi. Nếu không phải hai loại đó thì con sẽ không ăn, bực chết đi được”. Nói xong thằng bé xoay người đi ra sofa nằm tiếp tục chơi game.
Mắng thì mắng, tức giận thì tức giận, mẹ thằng bé vẫn làm tất cả mọi việc cho nó.
Mọi người có mặt nhìn nhau, không khí có chút ngượng ngùng, mẹ thằng bé lắc đầu, thở dài nói: “Vậy đấy, là kiếp trước nợ nó, lớn như thế rồi mà không biết gì cả, điên mất thôi!”.
Mọi người động viên một lúc rồi ăn cơm. Cơm nước xong, chúng tôi bàn chuyện đi công viên dạo một chút, mọi người đều chuẩn bị xong xuôi, còn mỗi thằng bé vẫn đang ngồi chơi game. Ba thằng bé nhịn không được bèn đá nó một cái bảo nhanh đi thay quần áo. Thằng bé giãy nảy lên tức giận nói: “Làm gì vậy? Con còn không biết quần áo để ở đâu thì làm sao biết mặc cái nào?”.
Đến đây thì ai nấy cũng đều phải trố mắt. Không thể tưởng tượng nổi một đứa trẻ hơn 10 tuổi rồi mà không biết quần áo để ở đâu, mặc cái gì. Thật không biết nó từ nhỏ lớn lên như thế nào, được dạy dỗ chăm sóc kiểu gì nữa. Mẹ thằng bé một mặt nói “thật tức chết tôi! tức chết tôi!“, đồng thời đi vào phòng tìm quần áo giúp nó. Tôi thật sự nhịn không được bèn nói: “Chẳng lẽ chị cứ vậy lo liệu cho nó suốt sao? Chị cũng không thể lo liệu cho nó cả đời, sớm muộn gì cũng phải buông nó ra”.
Từ nhỏ đã được cưng chiều, nuôi dưỡng thành một đứa trẻ có cuộc sống giống như một phế nhân.
Thằng bé là con duy nhất trong nhà, nên được xem như bảo bối, vô cùng cưng chiều, gần như 100% là thuận với nó, chỉ cần nó không thích, gào khóc thì mọi thứ đều phải chiều theo. Mặc dù cha mẹ nó biết như thế là không tốt, nhưng không nhẫn tâm từ chối.
Ví dụ như việc ăn cơm, thằng bé rất kén chọn, từ nhỏ chỉ thích ăn khoai tây và ngó sen, nếu không phải hai loại này thì không chịu ăn cơm. Lúc đó có người bảo cha mẹ thằng bé rằng, nó không chịu ăn thì kệ nó, đừng cho nó ăn các loại ăn vặt, để cho nó đói thì tự nhiên sẽ ăn thôi, dần dần sẽ hết tật kén ăn. Cha mẹ nó cũng đã thử qua, nhưng chưa đầy nửa tiếng nghe thằng bé gào khóc đỏ mặt tía tai liền xót con, cuối cùng là không đành lòng nên vội vàng làm đồ ăn theo yêu cầu của nó.
Cha mẹ mỗi một lần lui nhường thì đứa trẻ sẽ mỗi một lần đạt được đòi hỏi, sẽ khiến cho nó càng trở nên cố chấp và ngang ngược, chỉ cần không thuận theo ý mình liền nổi giận
Kỳ thực, nếu biết cổ vũ, khuyến khích trẻ tự mình thử làm mọi việc, lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ thành công. Một khi thu được thành công do tự bản thân mình làm thì trẻ sẽ vui mừng, thích thú, giúp chúng ngày càng tự tin hơn để thực hiện những việc khác.
Nhưng thật đáng tiếc, người lớn lại làm thay đứa trẻ mọi việc, cho nên tạo thành thói quen ỷ lại vào người khác, “nước đưa tận tay, cơm đưa tận miệng”. Điều này cũng mài mòn dần sự nhiệt tình, thích thú của đứa trẻ với mọi việc xung quanh.
Xét lại chính mình, tôi tự nhận mình là một “bà mẹ nhẫn tâm”
Khi con trai chưa đến 2 tuổi thì tôi đã tập cho nó tự ăn cơm. Mặc dù lúc này cậu bé còn nắm thìa chưa vững, ăn một chén cơm cũng thật lâu lắc, thậm chí còn làm vương vãi, hoặc la khóc um sùm. Nhưng tôi vẫn không giúp, mà chỉ nói vài câu cổ vũ, khuyến khích nó tự mình ăn tiếp.
Khi con đến tuổi đi học tiểu học, tôi đã để cho con tự đi đến trường học mà không cần đưa đón. Trước đó, để con quen thuộc đường, tôi đã thường xuyên dẫn đứa trẻ đi tuyến đường mà nó đến trường. Đồng thời dạy cho nó các luật lệ giao thông và nhắc nhở con phải nghiêm cẩn thực hiện, cho nó ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ.
Như vậy cũng chưa thể nào hoàn toàn yên tâm được. Vì vậy mấy ngày đầu đến trường, tôi cứ lặng lẽ đi theo sau con đến khi thấy con đi vào trường học mới yên tâm trở về. Thực hiện như vậy một thời gian, thấy con tự đến trường mà không xảy ra vấn đề gì thì mới thôi.
Nhưng lại có nhiều người chỉ trích rằng như vậy là quá nhẫn tâm.
Có một người bạn đã từng trách tôi: “Sao chị lại nhẫn tâm như thế? nó nhỏ như thế chị yên tâm sao, không đau lòng sao”. Tôi tất nhiên là có đau lòng, có lo lắng, nhưng tôi phải làm như vậy, nếu không “nhẫn tâm” thì đứa trẻ lớn lên như thế nào, nếu không “nhẫn tâm” thì nó làm sao có bản lĩnh, làm sao nó có thể tự lập và mạnh mẽ?
Đến khi con học tiểu học năm thứ hai, mức độ “nhẫn tâm” của tôi lại tiến thêm một cấp.
Tôi đưa con đi vài lần xe buýt, chỉ cho nó nhớ trạm dừng xe buýt bên đường, đón xe nào, nhớ xuống xe ở đâu. Về sau khi thấy nó đi xe buýt không có vấn đề gì nữa thì tôi lại tiếp tục hướng dẫn nó đi hai tuyến xe buýt để đi học Taekwondo, mưa gió đều không cần lo lắng.
Khi con dựa vào sức lực, tự mình kiếm được tiền tiêu vặt, tôi thấy nó thật vui vẻ, phấn khởi mãi không thôi.
Tết năm nay tôi còn để cho con đến làm công ở siêu thị, nhìn thằng bé ra sức bưng từng thùng trái cây, đồ uống mà mặt đầy mồ hôi, thở hổn hển, tôi cũng đau lòng lắm nhưng giả bộ không nhìn thấy. “Nhẫn tâm” như vậy sẽ khiến nó mỗi ngày càng thêm cố gắng làm việc, đến thời điểm cầm trong tay tiền công do chính sức lao động của mình, nó sẽ vui vẻ, phấn khích. Lúc thằng bé dùng tiền mà tự mình kiếm được mua quà sinh nhật cho tôi, mặt nó rạng rỡ tự hào.
Mỗi một lần mài luyện như vậy sẽ làm cho đứa trẻ trưởng thành rất nhanh.
Hiện tại con tôi rất tự lập, cũng rất có năng lực. Ở trường học nó là trợ thủ của thầy giáo, ở nhà giúp mẹ quản lý mọi việc, không cần mẹ phải quan tâm nhắc nhở.
Phương pháp giáo dục tốt nhất, đó là cần “buông tay” đúng lúc.
Học cách buông tay cũng là một loại đòi hỏi sự hiểu biết và sáng suốt. Buông tay chính là một cách yêu thương âm thầm, sâu sắc nhất. Buông tay là một phương pháp giáo dục tốt nhất, vậy nên cần biết buông tay đúng lúc, đừng nên do dự vì sợ mình quá “nhẫn tâm”.
Cha mẹ nếu không dứt khoát, thì trái lại sẽ làm rối loạn mọi việc. Nếu ta không nỡ nhẫn tâm buông tay với trẻ, thì trong tương lai, xã hội cũng sẽ không vì vậy mà mềm lòng, nhẹ tay đối với nó. Đến lúc đó, cuộc sống của nó thật gian nan, ta có tránh khỏi thương tâm hay không?
Bởi vậy, hãy dứt khoát buông tay để cho con trẻ học bay, và có thể bay càng cao xa hơn nữa. Giúp trẻ dũng cảm đối mặt với sóng gió và khó khăn là biện pháp yêu thương con trẻ tốt nhất.